Quảng Nam: nghệ nhân Cơ Tu lấy vỏ cây làm áo

Nghệ nhân Cơ Tu lấy vỏ cây làm áo

Nói đến giá trị văn hóa nghệ thuật của người Cơ Tu ở vùng núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), đặc biệt là nhà Gươl, nhà sàn, nhà dài,…thì không thể thiếu nghệ thuật làm áo bằng vỏ cây. Trong văn hóa của người Cơ Tu, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chạm khắc, đánh bóng, đan lát có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Đây cũng là nơi các nghệ nhân, người già, những người có tay nghề làm quần áo từ vỏ cây có thể truyền lại nét văn hóa độc đáo này cho thế hệ mai sau …

Nghệ hân C’lâu Blao phục hồi nghề làm áo

Nghệ hân C'lâu Blao phục hồi nghề làm áo
Nghệ nhân C’lâu Blao phục hồi nghề làm áo

Nghệ nhân C’lâu Blao, xã Tr’Hy (huyện Tây Giang) giúp phục hồi nghề truyền thống. Cái nghề tưởng như đã thất truyền của người Cơ Tu: làm trang phục bằng vỏ cây. Năm nay 72 tuổi, ông Blao vẫn bước đi thoăn thoắt trong rừng. Ông đeo chiếc gùi trên lưng và cây rựa bên vai. Chỉ vào đám dây leo mọc bám vào gốc cây cổ thụ, ông nói từ xa xưa người Cơ Tu khi đi rừng thường chặt loại dây leo này, ép lấy nước uống. Còn vỏ cây thì đưa về làm thành trang phục.

“Trước đây chúng tôi sống trong rừng. Không có vải may quần áo nên dùng vỏ cây. Nhà nào cũng người biết làm loại trang phục truyền thống này”. Ông Blao nói. Theo thời gian, các loại vải và quần áo từ miền xuôi được đưa lên phổ biến ở vùng núi rừng Tây Giang. Trang phục bằng vỏ cây dần biến mất và tưởng như thất truyền.Sau thời gian công tác ở trạm y tế xã, ông Blao về hưu và có thời gian tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Cơ Tu. “Tôi không muốn nghề làm trang phục bằng vỏ cây bị mai một. Nên tôi bắt tay khôi phục”. Ông nói và cho hay không phải bất cứ loại cây rừng nào cũng có thể làm thành trang phục. Chỉ một số cây được đặt tên theo cách gọi của người dân địa phương; như Ta cỏỏng, A mớt, Đha my, Ta đuh, Chơr Za Giang, Đhin, Đhul, Đhi Zi lang, Đhi A bâm.

Cách ông Blao làm áo từ vỏ cây

Tách vỏ cây làm áo

Ông Blao chặt cây làm áo
Ông Blao chặt cây làm áo

Tìm được một cây dây leo Dhi Zi Lang to bằng cổ chân quấn lên cây gỗ cao hàng chục mét. Ông Blao nói đây là vật liệu để làm áo. Ông chọn những đoạn thẳng và phân khúc gần 2 m. Rồi dùng dao tách lớp vỏ cây thành một vòng tròn.

“Quá trình tách vỏ cây ra khỏi thân phải nhẹ nhàng, khéo léo. Nếu làm không đúng động tác thì lớp vỏ hư hỏng”. Ông nói và cho biết với cây Dhi Zi Lang, khi chặt xuống phải bóc vỏ ngay. Vì loại cây này nhiều nước, dễ bóc khi còn tươi. Sau hơn một giờ, đoạn cây được bóc hết vỏ, ông Blao cho vào gùi. Rồi ông lại thoăn thoắt đi tìm những loại cây phù hợp khác. Sau một ngày, nhiều tấm vỏ cây được ông đưa về nhà. Ngày hôm sau lại đưa ra suối đập nát lớp vỏ bên ngoài. Còn lại lớp bên trong tạo thành những sợi dài, rửa sạch tại suối.

Phơi khô và khâu trang phục

“Đa số vỏ cây có mủ. Nên phải làm thật sạch thì mới may thành áo, quần được”. Ông nói và cho hay để tạo độ săn chắc, dẻo dai, các sợi cây thường được phơi nắng hoặc hơ trên bếp lửa. Người nào thích sắc màu cho tấm áo có thể sử dụng củ mài tạo màu. Nhưng “đẹp nhất vẫn là màu vỏ cây tự nhiên”.

“Phơi nắng xong, chúng tôi dùng kim khâu các sợi cây tạo thành trang phục, áo hoặc quần tùy theo kích cỡ người mặc. Loại áo này mùa nóng thì che nắng, mùa đông mặc ấm. Khi ngủ, dùng áo vỏ cây làm chăn đắp”. Ông Blao nói và cho biết trang phục vỏ cây khi mặc lên người có mùi thơm; sử dụng nhiều năm mới hư hỏng.

Nét văn hoá cần được bảo tồn của người Cơ Tu

Nét văn hoá cần được bảo tồn của người Cơ Tu
Nét văn hoá cần được bảo tồn của người Cơ Tu

Nhiều năm qua, ông Blao đã làm hàng chục bộ trang phục vỏ cây để bán cho các cơ quan văn hoá và những người sưu tầm. Một bộ áo quần từ lúc bóc vỏ đến ra sản phẩm khoảng 30 ngày. Giá bán bộ nhỏ 500.000 đồng, bộ lớn 800.000 đồng.

Hiện nay chỉ còn một số ít người Cơ Tu biết được nghệ thuật làm áo bằng vỏ cây. Bởi vì công việc làm áo rất tỉ mẩn. Vào các dịp lễ hội như Tết, lễ đâm trâu, mừng lúa mới, lễ kết nghĩa giữa hai làng anh em… Những tấm áo này được già làng, nam nữ thanh niên mặc vào múa điệu tung tung – da dá truyền thống của người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang. Hiện nay, các du khách mua áo về để tặng cho người thân. Hoặc để kỷ niệm một chuyến đi lên Trường Sơn đại ngàn hoang dã.

Theo Trưởng phòng Văn hóa huyện Tây Giang Nguyễn Chí Toàn, gần đây trang phục vỏ cây được người dân sử dụng trở lại khi tham gia các lễ hội truyền thống ở địa phương. “Chúng tôi lên kế hoạch tổ chức các lớp truyền nghề làm trang phục từ vỏ cây cho các bạn trẻ, để bảo tồn nét văn hoá này”, ông Toàn nói. Tây Giang là huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, giáp Lào, diện tích tự nhiên hơn 900 km2, với 10 xã; dân số hơn 16.000 người, trong đó trên 90% dân tộc Cơ Tu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *