Mỗi một vùng đất đều sở hữu cho mình một món đặc sản mang hương vị riêng biệt, đặc trưng cho vùng đất đó, và Thái Bình cũng vậy. Về Thái Bình, bạn sẽ không thể bỏ qua món đặc sản nối tiếng nhất của miền quê này với tên gọi Bánh cáy. Bánh cáy Thái Bình là một món đặc sản mang nét độc đáo của miền quê lúa. Ẩn đằng sau mỗi miếng bánh là cả quá trình làm bánh tỉ mỉ. Mỗi miếng bánh chất chứa tấm quê chân tình của người dân làng Nguyễn. Bánh cáy với độ dẻo, ngọt vừa phải, thơm mùi gạo nếp cái hoa vàng, quyện với vị ngậy của mỡ sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên.
Bánh cáy làng Nguyễn, Thái Bình
Ghé thăm Thái Bình, du khách sẽ bị thu hút bởi những cánh đồng lúa bát ngát, thẳng cánh cò bay cũng như những món đặc sản không chỉ ngon mà còn bắt mắt. Bên cạnh những món ăn nổi tiếng như nem chạo Vị Thủy, canh cá Quỳnh Côi, bún bung, bánh giò Bến Hiệp… bánh cáy làng Nguyễn cũng là đặc sản nổi tiếng mỗi khi nhắc về Thái Bình.
Ở tỉnh thành này có nhiều nơi làm bánh cáy nhưng nổi tiếng nhất vẫn là làng Nguyễn thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Nơi đây với hơn 200 năm lưu truyền và phát triển bánh cáy. Theo báo Thái Bình, sở dĩ, gọi là bánh cáy bởi do khi xưa lúc dâng bánh lên vua Lê Hiển Tông, vua trông giống trứng cáy nên đặt là bánh cáy. Bánh còn có tên gọi khác là bánh tiến vua. Vì có thuyết nói rằng do bánh thơm ngon nên được quan chức địa phương Thái Bình chọn làm vật phẩm dâng vua. Hiện, toàn xã có khoảng 300 hộ làm bánh. Cho sản lượng 120-150 tấn mỗi tháng.
Cách làm món bánh cáy
Khâu chuẩn bị phải bắt đầu trước nửa tháng
Mới thoáng nghe qua tên, nhiều người thường lầm tưởng món bánh này được làm từ con cáy ngoài biển. Thực tế, bánh có nguyên liệu chính là nếp cái hoa vàng kết hợp cùng với đậu phộng, mè, gấc, mỡ heo, vỏ quýt… Tạo nên thứ bánh quê dân dã, vừa béo lại vừa bùi. Đây là loại bánh được làm khá công phu, cầu kỳ từ chính nguyên liệu đến cách chế biến.
Theo đó, bánh đúng chuẩn thì khâu chuẩn bị phải bắt đầu trước nửa tháng. Bắt đầu với mỡ lợn đã được thái nhỏ hạt lựu rồi ướp trộn với đường cho thấm. Sau đó, gần đến lúc làm bánh, nguyên liệu này tiếp tục được đem xào cho đến khi khẩu mỡ đạt độ trong và giòn. Các phụ liệu như lạc, vừng cũng được bà con rang chín, xát nhẹ để bỏ vỏ. Cà rốt, gừng tươi, vỏ quýt tươi đem xào đường rồi để riêng.
Bánh cáy tuy giản dị nhưng đòi hỏi quy trình chế biến rất công phu
Nếp cái hoa vàng được lựa chọn kỹ càng rồi chia làm ba phần. Hai phần nấu xôi còn một phần làm bỏng (nẻ). Phần nếp để nấu xôi tiếp tục đem chia đôi. Một nửa nếp đồ với gấc để xôi có màu đỏ và nửa còn lại đồ với nước của quả dành dành để tạo màu vàng tươi. Sau khi xôi chín, trộn hai loại lại với nhau và giã nhuyễn. Hỗn hợp quyện đều tiếp tục được cán mỏng, cắt thành lát nhỏ dài như mứt bí rồi sấy khô. Tiếp đó, dùng mạch nha để giúp cho các loại nguyên liệu liên kết với nhau rồi hâm nóng trên chảo.
Phần gạo nếp còn lại, người dân rang thành bỏng cho nở bung. Sau đó sàng sẩy sạch trấu để có mớ nẻ dậy mùi thơm. Sau khi đã sơ chế hoàn chỉnh, người làm đem hỗn hợp trên trộn đều với mật mía và đổ vào chảo. Đảo đều tay cho tới khi dậy mùi thì múc vào khuôn gỗ đã lót sẵn vừng bên trong để tạo hình. Bánh khi cứng lại được lấy ra khỏi khuôn và khoác lớp “áo vừng” bóng bẩy bên ngoài.
Bánh cáy là món quà bình dị, đậm đà hương vị đồng quê
Với hương vị độc đáo, hấp dẫn lại dễ bảo quản nên bánh cáy là lựa chọn ưu tiên để làm quà dành tặng cho người thân mỗi khi du lịch Thái Bình. Đó cũng là lý do giúp bánh cáy trở nên thân thuộc. Không chỉ với người dân trong nước mà còn cả bạn bè quốc tế. Bánh cáy là thức quà bình dị, nồng đậm tinh hoa của đất trời nơi đây. Và cũng gắn bó sâu nặng với lịch sử, văn hóa cũng như đời sống của người dân Thái Bình.
Khi thưởng thức miếng bánh cáy, bạn sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo. Đó là sự hòa quyện của hương vị dẻo, ngậy, bùi của những nguyên liệu mộc mạc chốn đồng quê. Không những thế, dường như ẩn sau mỗi miếng bánh là cả một quá trình. Bánh cáy được làm bằng sự tỉ mẩn của người dân nơi đây. Cùng với đó là tấm chân tình đối với quê hương của người dân làng Nguyễn.