Việt Nam nổi tiếng có nhiều loại thực phẩm được làm từ gạo, có thể được kể đến như là hủ tiếu, bánh canh, phở,… Có một loại khác cũng vô cùng phổ biến với người Việt, đó là bún. Bún có thể được dùng để làm nguyên liệu của nhiều món ăn vô cùng ngon miệng, cũng đi vào đời sống ẩm thực của nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam. Để có thể nấu được những món bún ngon, người nấu phải thật khéo léo, có tâm và chịu khó mới có thể cho ra được món bún vừa miệng nhất với mọi người. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn xây dựng thực đơn bao gồm những món bún ngon miệng, ăn là ghiền để đổi gió cho gia đình, tránh những ngày ăn cơm quá nhiều đâm ra ngán nhé.
Bún ngon là nhờ nước lèo vừa miệng, thơm đậm đà. Nếu bạn muốn trổ tài vào bếp để thử ngay những món bún được đề xuất dưới đây thì hãy đọc, ghi nhớ và chuẩn bị thật kĩ nguyên liệu nhé. Cả nhà sẽ có được một bữa ăn hoàn hảo và bạn sẽ nhanh chóng trở thành đầu bếp “trứ danh” của cả gia đình ngay thôi.
Anh chàng du học sinh thích nấu nướng
Hương vị thơm ngon, hấp dẫn của những món ăn sáng này khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải thèm. Sống ở Nhật, ngoài tập trung vào học tập và nghiên cứu chàng du học sinh Thiện Đức rất đam mê nấu ăn. Thiện Đức thường xuyên chia sẻ những hình ảnh bữa cơm, món ăn, các loại bánh ngọt của mình lên facebook và được rất nhiều người yêu thích. Mới đây, 9X đã gợi ý cách làm rất nhiều món bún vô cùng hấp dẫn, ai nhìn thấy cũng phải thèm, các bạn có thể tham khảo.
Thực đơn các món bún đổi vị cho gia đình
Món bún cá thơm ngon, vừa miệng
Nguyên liệu
- Cá diêu hồng 300 gram
- Đầu hoặc xương cá
- Bún – Cà chua – Măng – Các loại gia vị – Rau thì là, hành lá,… các loại rau sống ăn kèm
Chế biến “topping”
- Hành, thì là, rau mùi rửa sạch cắt nhỏ. Cà chua và măng rửa sạch, bổ miếng vừa ăn.
- Đầu cá và xương cá chiên vàng qua dầu ăn, để có thêm vị béo cũng như khử tanh.
- Sau khi chiên xong thì đem đi nấu nước dùng, nêm nếm gia vị vừa ăn.
- Thịt cá thì chia làm 2 phần, 1 phần thái thành từng khúc mỏng, phần còn lại đem đi làm chả cá.
- Phần cá thái thành từng khúc ướp gia vị rồi lăn qua 1 lớp bột chiên giòn, nếu không có thì có thể để vậy cũng không sao. Thịt cá chiên lúc này sẽ thấm vị, không bị vỡ vụn.
- Phần chả cá các bạn xay thịt cá, nêm nếm với gia vị và hành lá cắt nhỏ. Cuối cùng cho thì là vào và xay thật nhuyễn hỗn hợp này. Sau khi hỗn hợp có độ kết dính ổn định thì dùng muổng múc 1 – 2 muỗng rồi ấn dẹt ra. Đem đi chiên lên sẽ được chả cá chiên thơm ngon.
Nấu nước dùng và ra thành phẩm
- Nước dùng sau khi ninh thì lọc qua rây để tránh xương cá. Lọc xong thì cho cà chua, măng vào hầm thêm một lúc nữa. Nêm nếm lần cuối theo khẩu vị rồi chuẩn bị ăn thôi.
- Trình bày thì bún, cá chiên, chả cá, măng cà chua xếp lên trên, cho nước dùng thêm hành ngò vào là có một tô bún cá ngon rồi.
Món bún riêu cua cực ngon và vô cùng được yêu thích
Nguyên liệu: Cua sống – giò sống – 1 lòng đỏ trứng – cà chua – đậu phụ – bún – rau sống – hành ngò…
Chuẩn bị riêu cua
- Cua sau khi mua về thì bẻ chân và càng ra, gạch cua thì cho riêng vào 1 chén để lát phi với hành. Sau đó đem xay tất cả các phần của con cua thật nhuyễn, mai cua vứt đi.
- Xay xong thì hoà với nước, rồi lọc phần bã cua bỏ đi, nếu sợ còn vỏ cua xay vụn còn lẫn vào thì lọc thêm 2 đến 3 lần nữa. Hỗn hợp nước đã lọc xong thì thêm 1 ít muối rồi đem nấu, từ từ riêu cua sẽ nổi lên, nước càng sôi thì riêu nổi lên càng nhiều.
- Vớt riêu ra, lúc này nước dùng sẽ trong lại, để sang một bên cho lắng xuống rồi đi làm riêu cua. Riêu cua đã vớt ra cho vào thịt giò sống và 1 lòng đỏ trứng, nêm nếm gia vị bằng muối và bột ngọt rồi trộn đều lên và đem hấp trong 30 phút.
- Trong khi hấp thì phi hành lên cho thơm rồi đổ gạch cua vào, nó sẽ đông lại và tạo thành một khối gạch cực kỳ ngọt như trong hình.
Bắt đầu nấu bún riêu
- Riêu cua sau khi đã hấp xong thì đợi nguội, đổ bớt nước đã rỉ ra trong khi hấp cho ráo xong thì phết một ít dầu màu gạch cua lên trên bề mặt, lúc này nhìn nó sẽ ngon như một miếng chả chiên vậy.
- Những phần khó nhất đã xong rồi, bây giờ thái cà chua phi chung với hành rồi đổ vào nồi nước dùng đem đun lên, trong quá trình đun thì rán đậu phụ. Đậu rán xong cũng cho vào nồi nước dùng. Thêm gia vị cho vừa ăn là hoàn thành rồi.
- Luộc bún cho ra bát, cắt miếng riêu cua ra, múc nước dùng, cuối cùng cho vào một muỗng gạch cua lên trên. Ăn kèm với rau tuỳ sở thích, nếu có một ít mắm tôm sẽ ngon hơn đấy.
Món bún hến ngon lành, ngọt nước thơm lừng
Nguyên liệu: Hến – Da heo để làm tóp mỡ – Đậu phộng – Bún, cơm khô (cơm nguội), mì tôm tuỳ theo sở thích, thích ăn gì bỏ vào nấy, nêm nếm ngon thì ăn kèm gì cũng ngon. – Rau: môn (dọc mùng), ngò, rau thơm các loại – Ruốc Huế – Gia vị, muối, tiêu, bột ngọt, ớt…
Chế biến “topping”
- Ngâm hến với ớt trái cho hến nhả bớt cát ra, ăn cho sạch, đỡ lợn cợn.
- Da heo thì thái thành miếng đem chiên lên, chiên cẩn thận để tránh dầu bắn. Bạn có thể cho da heo vào lò nướng 200 độ ở 15 phút, đến khi nó khô bớt đi chiên lên sẽ rất ít bị bắn dầu.
- Đậu phộng thì cho vào trong ngập dầu ăn rồi thêm bột ớt hoặc dầu màu điều để làm màu đẹp hơn, đến khi dầu sôi là được
- Rau thái nhỏ thành sợi. Cả rau, dưa, dọc mùng tất cả đều thái sợi nhỏ nhỏ vừa đủ để trộn. Những ai đã từng ăn chắc sẽ còn nhớ rau bún hến nên không cần bày cũng được nhé. Thái xong thì trộn toàn bộ lại với nhau. Lưu ý, dọc mùng khi thái thì ngâm với nước muối, để đỡ bị đen mà còn đỡ ngứa.
- Luộc giá đỗ rồi vớt ra.
- Luộc bún, mì (tuỳ sở thích nhé) ăn kèm.
Bắt đầu nấu bún hến
- Rửa sạch hến đổ vào 2 bát nước luộc lên để lấy nước hến. Hến khi luộc sẽ tự rụng ta, chỉ cần vớt bỏ vứt đi là được. Con ngao thì phải lấy thịt nó ra chứ nó không tự rụng đi được nên công đoạn này cần kiên nhẫn. Khi đã có một nồi nước hến thì cho vào 1 ít muối và bột ngọt. Nếm thử thấy ngọt lịm là được.
- Cho dầu, tỏi xào lên, đổ hến vào. Nêm nếm với muối, tiêu, ớt trái, bột ngọt, một ít nước mắm. Xào đến khi săn lại, hết nước là được. Cuối cùng mới cho hành lá đã cắt nhỏ vào, để hành lá không bị nát. Thế là xong phần hến xào.
- 1 muỗng ruốc và 2 muỗng nước hến, khuấy đều lên cho nó rớt cặn xuống dưới, hầu như đều có cặn hoặc ghê hơn là cát nên khuấy đều, chờ cặn nó lặn rồi đổ qua cái bát mới.
- Giờ thì bày ra ăn nhé. 1 nhúm rau, bún, cơm, mì (tuỳ thích), 1 muỗng hến xào, mấy miếng tóp mỡ, 1 muỗng dầu đậu phộng. Gia vị gồm 1 muỗng mắm ruốc, ít bột ngọt, xíu nước mắm. Cuối cùng cho ngò với dưa leo cắt nhỏ, giá luộc lên trên là xong rồi.
Món bún nghệ thơm ngon, ấn tượng
Nguyên liệu: Lòng, tim, lưỡi lợn – Bún – Nghệ hoặc bột nghệ – Rau ngò, rau răm, hành, tỏi. – Gia vị
Chuẩn bị
- Lòng các bạn trụng sơ rồi rửa thật nhiều lần với nước muối, nếu có thể hãy ngâm với 1 ít rượu trắng để khử mùi. Sau khi sơ chế sạch rồi thì đem ướp với gia vị như nước mắm, đường, bột ngọt, tiêu và bột nghệ.
- Phi hành, tỏi với dầu ăn rồi cho lòng, tim, lưỡi vào xào lên. Chín kỹ càng tốt, nêm nếm nếu mặn một chút cũng không sao nhé.
- Bún đem xào lên với một ít bột nghệ cho bún vàng. Một vài nơi người ta lấy nước xào lòng đem đi xào qua với bún và mình khuyến khích các bạn dùng theo cách này. Bún lúc này thấm vị, mềm, màu vàng ngon hơn.
- Cắt rau răm hành ngò thật nhỏ.
- Trình bày thì cho bún ở dưới, lòng xào ở trên, thêm rau cắt vụn rồi trộn lên ăn thôi.
Món bún bò Huế vô cùng ngon, lấy điểm trong tích tắc
Nguyên liệu: Chân giò – Bắp bò – Xương heo – Chả cua – Chả quết – Hành lá – Sả, gừng – mắm ruốc Huế – Rau sống, hành, ngò
Chuẩn bị:
- Ninh xương heo, chân giò. Trước khi ninh thì luộc qua một lần với nước sôi để khử mùi và giúp nước dùng trong hơn.
- Trong khi ninh thì thả vào 5 cây sả, 1 củ gừng nướng. Nêm nếm gia vị với nước mắm, bột ngọt…
- Sau khi nước dùng thơm vì vớt tất cả ra, lọc qua rây cho nước dùng không bị cặn. Tiếp theo thả bắp bò vào ninh thêm 2 tiếng cho bắp bò mềm và nước dùng ngấm mùi bò. 2 tiếng sau thì dùng muỗng viên từng viên chả tròn vào nước rồi tiếp tục đun.
- Sả, tỏi, ớt ta đem băm nhỏ, phi lên với dầu ăn cho thơm rồi cho vào 3 muổng ớt. Nếu ăn cay hơn thì cho nhiều hơn. Múc 1 muỗng mắm ruốc Huế vào bát, cho nước vào và khuấy cho ruốc lắng cặn xuống. Đổ nước ruốc vào dầu đang phi và tiếp tục đun cho hỗn hợp hơi cạn nước. Sau đó đem hỗn hợp này lọc qua rây và đổ vào nồi nước dùng. Khi này nồi nước dùng sẽ có màu đỏ rất đẹp, thơm mùi ruốc Huế, sả mà đặc biệt là không bị hôi mùi mắm.
- Vớt bắp bò ra rồi thái lát, chân giò cũng cắt thành miếng vừa ăn.
- Trình bày với bún ở dưới, chân giò, bắp bò và nước dùng. Nhớ nêm nếm lần cuối cùng trước khi ăn nhé. Cho thêm vài viên chả cua và chả quết, ăn kèm với rau sống tuỳ thích.