Cà phê trong văn hóa của người Hà Nội hay Sài Gòn đều chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng, được xem là không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy có một điểm chung là vậy nhưng văn hóa thưởng thức cà phê của Hà Nội hay Sài Gòn lại ẩn chứa nhiều sự khác biệt không thể trộn lẫn. Thậm chí những sự khác biệt này đôi khi còn khiến chúng ta cảm thấy băn khoăn và chưa quen. Ngay sau đây là một số điểm khác nhau thú vị mà chúng tôi đã tổng hợp lại, các bạn hãy theo dõi để khám phá thêm thông tin chi tiết nhé.
Điểm qua lịch sử của cà phê tại Việt Nam
Những năm 80 của thế kỷ XIX, người Pháp xâm lược Việt Nam và mang theo nhiều nét văn hóa phương Tây vào thuộc địa. Người Việt làm quen với cà phê từ dạo đó. Thứ thức uống đen sánh, nhấp môi có vị đắng, đầm khiến người ta khoan khoái sau khi uống. Cà phê cũng vô cùng được giới quan chức, quý tộc phong kiến lúc bấy giờ ưa chuộng. Có thời gian, uống cà phê còn là thước đo sự sành điệu, đẳng cấp của một người. Nhiều thiếu niên giai đoạn trước còn nghĩ uống được cà phê là minh chứng cho việc mình “đã lớn”.
Sự khác nhau trong văn hóa thưởng thức cà phê của Hà Nội và Sài Gòn
Đối tượng thưởng thức cà phê
Đối với người Sài Gòn, cà phê là loại thức uống phổ biến của mọi tầng lớp, lứa tuổi, từ người già đến người trẻ. Nó là câu cửa miệng để làm cái cớ rủ rê bạn bè: “Cà phê không?”. Chỉ với cái gật đầu, ly cà phê trở thành thứ nối kết giữa hai hoặc nhiều con người với nhau.
Người Hà Nội lại khác, chuộng cà phê nhất phải kể đến những bậc lão thành, dân kinh doanh đam mê công việc. Người Hà Nội không ngồi quá lâu, nhưng điềm nhiên chẳng vội vã. Đối với họ, thưởng thức cà phê là cả một nghệ thuật, ẩn chứa câu chuyện dài cần kể.
Địa điểm uống cà phê
Người Sài Gòn có thể uống cà phê ở bất cứ đâu, từ vỉa hè đến những quán sang trọng. Các địa điểm phục vụ loại thức uống này ở Sài Gòn cũng rất đa dạng về thể loại. Ví dụ như từ cà phê sách, cà phê thú cưng, cà phê bệt cho đến cà phê sân vườn…
Tại Hà Nội thì khác, do đất chật người đông nên các quán cũng đơn giản hơn. Đó có thể là quán theo phong cách phố cổ, hoặc ngồi tạm ngay vỉa hè. Đặc biệt nhiều khi các vị khách còn sẵn sàng ngồi chung một bàn san sát nhau vì hết chỗ. Nếu người Sài Gòn ra Hà Nội lần đầu, hẳn nhiên họ sẽ cảm thấy lạ lẫm đôi chút.
Tên gọi cà phê ở Hà Nội và Sài Gòn
Khi bước chân vào quán, người Sài Gòn muốn uống cà phê pha chút sữa, họ sẽ gọi cà phê sữa đá, bạc xỉu hoặc cà phê sữa tươi. Dĩ nhiên cả ba loại đều có mức độ đậm nhạt khác nhau. Cà phê sữa đá được xem như một nét khó quên trong lòng những ai yêu hương vị cà phê, đến nỗi khi đi xa cứ vương vấn mãi.
Riêng người Hà Nội, họ gọi món cà phê pha sữa là cà phê nâu. Đó là loại cà phê sữa đặc, không uống đá và nhiều cà phê. Chúng cũng có vị đắng hơn so với Sài Gòn. Hà Nội hầu như không có bạc xỉu, nếu lúc nào đó người Hà Nội muốn bắt chước người Sài Gòn gọi một ly như thế, chắc chắn người đó sẽ bị chủ quán ở Hà Nội xem là “người ngoại đạo”. Từ này hiện nay vẫn chưa phổ biến tại Hà Nội. Tất nhiên một số quán cũng bắt đầu cập nhật vào thực đơn thức uống.
Thời gian uống cà phê
Ở Sài Gòn người ta có thể thưởng thức vào bất cứ giờ nào trong ngày. Đó có thể vào buổi sáng sớm với tờ báo còn thơm mùi mực in, trên chiếc ghế đẩu ngay tại lề đường. Có lúc, người Sài Gòn lại thức thật khuya nhấm nháp ly cafe bên một người bạn thân, ngắm sự tĩnh lặng đến kỳ lạ của phố xá lúc lên đèn.
Riêng với người Hà Nội, họ thường chỉ nhâm nhi ly cafe vào buổi sáng trong không khí se lạnh và vài tia nắng len lỏi qua tán cây. Người Hà Nội không ngồi quá lâu, nhưng điềm nhiên chẳng vội vã. Đối với họ, thưởng thức cafe là cả một nghệ thuật, ẩn chứa câu chuyện dài cần kể. Có lúc người ta cũng hẹn bạn đi uống cafe vào buổi tối nhưng thường là không quá khuya.
Nắm bắt được sự quen thuộc cũng như ý nghĩa của ly cà phê, nhiều hãng sản xuất hiện nay đã cho ra đời nhiều dòng sản phẩm riêng biệt, phù hợp với khẩu vị của từng vùng miền. Những sản phẩm được áp dụng công nghệ đột phá; mang đến cho người dùng ly cà phê thơm ngon đúng điệu. Chỉ cần thưởng thức qua ly cà phê hòa tan, cả người Sài Gòn lẫn Hà Nội đều như tìm thấy lại được chính hương vị tại quê nhà của mình.