So với thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến thì Sài Gòn vẫn chỉ là một thành phố trẻ vài trăm năm tuổi, sôi động và hiện đại. Thế nhưng, không phải vì thế mà thành phố được ví như “đầu tàu” của cả nước này lại kém cạnh về số lượng các công trình lịch sử và văn hoá. Đan xen trong không khí tấp nập, nhộn nhịp và những toà nhà cao tầng của một đô thị lớn ấy, những địa điểm và công trình kiến trúc cổ xưa vẫn là điểm nhấn quan trọng giúp Sài Gòn thu hút khách du lịch tới thăm.
Ý nghĩa tên gọi Sài Gòn
Từ đầu thế kỷ XX người Pháp đã nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của địa danh Sài Gòn – thành phố mà họ muốn biến thành “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Thế nhưng, cái tên dung dị, thân quen ấy kể cả người Việt cũng đều không rõ nghĩa.
Sau hơn 300 năm phát triển, nhiều học giả vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc tên gọi này. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu, Sài Gòn có 3 cách lý giải được đánh giá cao nhất.
- Thị trấn giữa rừng : căn cứ vào từ “Sài” nghĩa “củi” và “Gòn” tức “cây bông gòn”. Quyển Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của ông Huỳnh Tịnh Của cho nghĩa của Sài Gòn là “củi gòn”.
- Vùng đất ăn nên làm ra : khi người Hoa rời Cù lao Phố (Biên Hòa) vào năm 1773, đã tụ về vùng đất mới Chợ Lớn ngày nay. Họ nhận ra đây là nơi “ăn nên làm ra” và gọi nó là “Tai-Ngon” hay “Tin-Gan”. Theo Hán Việt là Đề Ngạn. Đề Ngạn phát âm theo giọng Quảng Đông nghe ra là “Thầy Ngồn” hay “Thì Ngòn”.
- Cống phẩm của phía Tây : theo học giả người Pháp Louis Malleret cho rằng Sài Gòn có nguồn gốc từ tiếng “Tây ngòn” – nghĩa là cống phẩm của phía tây (Tây Cống). Tiếng “Tây ngòn” phát âm theo giọng người Hoa thành Sài Gòn.
Những công trình lịch sử và văn hoá đặc trưng của Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà – biểu tượng của Sài Gòn thời Pháp thuộc
Không chỉ là một trong những công trình kiến trúc cổ kính; nhà thờ Đức Bà Sài Gòn còn ẩn chứa nhiều điều thú vị để chúng ta khám phá. Nằm tại số 1, quảng trường Công xã Paris, nhà thờ được thiết kế và xây dựng bởi người Pháp. Công trình được xây dựng theo phong cách Roman đặc trưng. Nhà thờ có chiều dài 91m, chiều cao 35m và vóm mái cao 21m. Hai tháp chuông có chiều cao 36,6 m. Vào năm 1895, kiến trúc sư Gardes đã cho xây dựng thêm 2 đỉnh tháp chuông khiến độ cao của 2 tháp này là 57,6m.
Không chỉ là một nhà thờ cổ kính tuyệt đẹp; nhà thờ Đức Bà còn được xem như một biểu tượng của thành phố. Bất cứ du khách nào khi đến du lịch Sài Gòn cũng đều phải đến tham quan nơi này.
Bưu điện Trung tâm Thành phố – sự pha trộn của kiến trúc Á – Âu
Toạ lạc ở số 2 trên đường Quảng Trường Công xã Paris (Phường Bến Nghé, quận 1); Bưu điện TP.HCM là một trong những công trình kiến trúc lâu đời, tiêu biểu của thành phố. Công trình kiến trúc Sài Gòn này nằm ngay bên cạnh nhà thờ Đức Bà. Vì thế, bạn có thể kết hợp tham quan cả 2 công trình này cùng một lúc.
Công trình kiến trúc Sài Gòn này được xây dựng từ năm 1886 – 1891 bởi kiến trúc sư lừng danh người Pháp Gustave Eiffel. Tuy nhiên, nơi này lại không giống với các công trình kiến trúc đậm nét Pháp khác. Bưu điện sở hữu một phong cách riêng kết hợp hài hòa giữa châu Âu và châu Á.
Dinh Thống Nhất – chứng nhân lịch sử
Bất cứ ai lần đầu tiên đến với Sài Gòn thì nhất định phải ghé thăm Dinh Thống Nhất một lần. Đến đây bạn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc. Đây là một công trình kiến trúc đặc biệt và lâu đời của Sài Gòn. Đây là cơ quan đầu não của chính phủ trong thời kỳ chiến tranh. Dinh từng là nơi ở và làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa trước đây. Ngày nay, Dinh Thống Nhất trở thành một trong những biểu tượng du lịch của đất nước. Đây là điểm đến du khách khó lòng bỏ lỡ khi du lịch Sài Gòn.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được thành lập tháng 9 năm 1975, trên một khuôn viên khá rộng ở đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM. Nơi đây trưng bày những chứng tích tội ác chiến tranh trong suốt hơn 20 năm xảy ra tại miền Nam Việt Nam.
Từ những chủ đề: tội ác tàn sát nhân dân, rải chất độc hóa học, hình ảnh tù đày, tra tấn dã man, chiến tranh phá hoại miền Bắc,… bằng các hiện vật như: xe tăng, máy bay, máy chém, đại bác, chuồng cọp (mô hình như chuồng cọp ở Côn Đảo).
Chợ Bến Thành – nơi buôn bán lâu đời ở Sài Gòn
Trải qua nhiều năm thăng trâm của lịch sử; chợ Bến Thành vẫn là một trong những trung tâm mua sắm bậc nhất tại Sài Gòn. Chợ Bến Thành là một thị trường nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Nơi này được xem là một biểu tượng, điểm đến vô cùng thú vị cho không chỉ du khách quốc tế mà còn cả với người dân địa phương. Dạo quanh, mua sắm, khám phá chợ Bến Thành từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong những tour du lịch miền tây kết hợp du lịch Sài Gòn.
Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi là một khu di tích lịch sử kháng chiến nổi tiếng. Địa đạo này nằm tại huyện Củ Chi, cách trung tâm thành phố khoảng 70km về hướng Tây Bắc. Đây là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất được quân đội ta xây dựng trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Toàn bộ hệ thống địa đạo Củ Chi có chiều dài lên đến 250 km. Nơi này bao gồm nhiều khu vực khác nhau như: bệnh xá, phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc,… Vào năm 1968, địa đạo Củ Chi chính là điểm xuất phát của quân Giải Phòng miền Nam để tấn công vào Sài Gòn.
Thảo Cầm Viên – vườn thú lâu đời tại Sài Gòn
Được biết đến là một trong 10 vườn thú lâu đời nhất thế giới, sau hơn 150 năm hoạt động, Thảo Cầm Viên có khoảng 590 cá thể thuộc 125 loài động vật và 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài thực vật.
Nơi đây phổ biến các hoạt động dã ngoại, tìm hiểu về động, thực vật. Nơi này còn có 1 background sống ảo xanh mát, rất độc đáo. Trước thông báo tạm đóng cửa, Thảo Cầm Viên là điểm đến cuối tuần của nhiều người Sài thành.
Bảo tàng Áo dài – nơi lưu giữ lịch sử áo dài Việt
Cách trung tâm khoảng 30 phút lái xe, Bảo tàng Áo dài Việt Nam tọa lạc trong không gian thanh bình, xanh mướt cỏ cây, hoa lá của Nhà vườn Long Thuận (thuộc phường Phước Long, Quận 9).
Bước chân vào bảo tàng, bạn tưởng như đang lạc vào một thế giới mộng mơ với những nếp nhà mang đậm kiến trúc truyền thống, phảng phất màu sắc thiền tịnh. Nơi đây là cả một quần thể kiến trúc mở rộng, kết nối với thiên nhiên. Nhờ đó, nơi này gợi nhiều xúc cảm về những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Bên trong bảo tàng, bạn sẽ được giới thiệu về những chiếc áo dài Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Mỗi chiếc áo chứa đựng cả một câu chuyện lịch sử sâu lắng đầy ý nghĩa. Nhờ đó, giúp bạn tìm hiểu về nguồn gốc và sự phát triển của quốc phục Việt qua từng giai đoạn.
Chùa Bà Thiên Hậu
Đến Chợ Lớn hỏi Chùa Bà thì không ai là không biết. Đây là ngôi chùa cổ mang đậm nét văn hóa Trung Hoa tại Việt Nam. Nó được xây dựng từ thế kỷ 18. Ngôi chùa này là chốn tâm linh đáng tin cậy của cộng đồng người Hoa nói riêng và người Sài Gòn nói chung.
Tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), Chùa Bà Thiên Hậu – hay còn được gọi là Chùa Bà Chợ Lớn – nằm trong khu vực sinh sống đông đúc nhất của người Việt gốc Hoa tại Sài Gòn. Ngôi chùa cổ hơn 250 tuổi này mỗi ngày vẫn đón hàng trăm lượt người đến viếng và tham quan nhờ bề dày lịch sử, di sản kiến trúc giàu văn hóa và sự linh thiêng được truyền tải rộng rãi.