Sữa chua là món ăn vô cùng được yêu thích, nó không chỉ là món khoái khẩu của nhiều người mà còn được biết đến là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe. Sữa chua chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng như protein, glucid, lipid, các muối khoáng nhất là canxi, vitamin đặc biệt là vitamin nhóm A và B. Ngoài ra sữa chua còn là thực phẩm có giá trị chữa bệnh tốt, nhất là các bệnh đường ruột. Sữa chua rất bổ dưỡng cho cơ thể và mang lại nhiều công dụng như làm đẹp da, giúp giảm cân, giữ dáng thon gọn. Vậy còn chần chừ gì mà không cùng học cách làm sữa chua bằng nồi cơm điện ở bài viết này nào!
Cách làm sữa chua bằng nồi cơm điện
Chuẩn bị nguyên liệu
- Sữa tươi không đường (1L)
- Sữa chua có đường Vinamilk (1 hộp)
- Sữa đặc (1/2 hộp)
- Lọ thủy tinh để đựng
Dụng cụ thực hiện: Nồi cơm điện, nồi, muỗng
Cách chế biến Sữa chua
Bước 1: Nấu sữa tươi và sữa đặc
Đặt nồi lên bếp, cho 1 lít sữa tươi không đường, 1/2 hũ sữa đặc vào đun ở mức nhiệt lửa nhỏ. Khuấy đều sữa tươi với sữa đặc, rồi đun ở lửa nhỏ. Đến khi sữa sôi lăn tăn thì tắt bếp.
Bước 2: Làm sữa chua
Cho hỗn hợp vừa nấu xong ở bước 1 ra tô, để nguội khoảng 35 độ C (nhiệt độ men sữa chua hoạt động tốt nhất, nhiệt độ cao hơn làm men bị chết, nhiệt độ thấp làm men không sinh trưởng được). Nhận biết nhiệt độ sữa đạt hay chưa bằng cách nhỏ sữa ra lòng bàn tay. Thấy âm ấm và không bị nóng là đạt.
Múc 2 muỗng canh sữa cho vào sữa chua khuấy cho sữa chua loãng ra để trộn cho đều. Cho sữa chua cái ngược vào sữa và khuấy đều cho sữa chua cái tan. Khuấy nhẹ tay.
Bước 3: Cho sữa chua vào hũ và ủ sữa chua
Chế sữa vào hũ đựng thủy tinh. Cho hũ sữa vào nồi cơm điện, đổ nước ấm vào nồi cơm điện. Nước ngập khoảng 2/3 chiều cao của hũ là được.
Đóng nắp nồi lại và ủ từ 6-8 tiếng, nếu trời lạnh. Sau mỗi 2 tiếng, bạn găm điện, để chế độ giữ ấm “Keep Warm – Hâm nóng” khoảng 15 phút rồi rút điện ra để sữa chua ủ tốt hơn.
Yêu cầu thành phẩm
Sữa chua đông đặc, mịn, dù úp ngược cũng không đổ là đạt. Sữa chua đã đông thì bạn cho sữa chua vào ngăn mát tủ lạnh 3 – 4 tiếng và thưởng thức
Lưu ý khi làm sữa chua
- Bạn lấy sữa chua cái Vinamilk ra ngoài trước khi làm tối thiểu 2 đến 3 tiếng cho hết lạnh. Sữa chua làm men cái không được để quá lâu, ngày sản xuất phải mới trong khoảng 14 ngày đổ lại.
- Châm nước sôi khử trùng các dụng cụ làm sữa chua như hũ đựng, muỗng rồi úp ngược hũ lại, để khô hết nước mới sử dụng.
- Nếu sữa chua quá cũ hay hũ đựng chưa tiệt trùng, sữa chua làm ra sẽ bị nhớt.
Sử dụng sữa chua đúng cách như thế nào?
Sữa chua rõ ràng rất tốt cho sức khỏe nhưng việc sử dụng sữa chua đúng cách cũng rất quan trọng, để có thể tận dụng được những lợi ích mà không gây hại cho cơ thể. Để sử dụng sữa chua đúng cách cần lưu ý những điều sau:
- Sữa chua rất hiệu quả trong việc lập lại cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột do hậu quả của lạm dụng kháng sinh. Nhưng việc bổ sung cần được tiến hành ngay đợt sử dụng kháng sinh chứ không phải trong khi dùng kháng sinh.
- Sữa chua cho bé bị tiêu chảy hoặc biếng ăn sẽ giúp lập lại cân bằng vi khuẩn ở ruột và chất kháng sinh lactocidine giúp hỗ trợ điều trị tiêu chảy. Bên cạnh đó sữa chua còn dễ tiêu hóa nên rất phù hợp với trẻ biếng ăn.
- Không nên ăn sữa chua lúc đói: nguyên nhân là do nếu ăn sữa chua lúc đói sẽ khiến men lactic dễ bị hủy hoại và làm mất tác dụng của sữa chua. Độ pH thích hợp để men lactic sinh trưởng và phát triển là từ 4-5. Tốt nhất chỉ nên ăn sữa chua trong 1-2 giờ sau bữa ăn
- Không nên đun nóng sữa chua: vì sẽ làm mất tác dụng hữu ích và giảm hương vị của sữa chua. Để đảm bảo tác dụng của sữa chua và không khiến trẻ bị viêm họng do bảo quản lạnh. Bạn nên lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh trước 15-30 phút.
Làm sữa chua không hề khó, nhưng phải biết cách để sữa chua đạt chuẩn, thơm ngon, dẻo mềm. Bạn còn lưu ý nào để làm sữa chua? Chia sẻ ngay với chúng tôi nhé!