Cách đây hơn 600 năm, làng Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng) được thành lập, từ đó đến nay người dân ven biển nơi đây đã quen mưu sinh trên biển. Với hoạt động nghề nghiệp của ngư dân, lễ hội cầu ngư đã ra đời. Ngư dân, chủ thể văn hóa của lễ hội này, đã tạo nên một sức sống nội tại lâu bền trong sự vận động và phát triển của lịch sử. Lễ hội cầu ngư là một nét đẹp văn hóa đặc sắc trong văn hóa dân gian của ngư dân vùng biển Cửa Nhượng. Mới đây, lễ hội cầu ngư đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia
Lễ hội cầu ngư trở thành di sản văn hoá phi vật thể
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn ở huyện Cẩm Xuyên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ngày 27/5. Theo các bản sắc phong lưu giữ tại miếu Ngư Ông, thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng; lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn có từ thời nhà Nguyễn. Lễ hội được người dân địa phương tổ chức ngày 8/4 âm lịch hàng năm. Lễ hội có bốn nghi thức. Bao gồm Tế lễ, hội chèo cạn, lễ rước trên biển và lễ tế tại miếu đường. Mục đích là báo đáp công ơn của Nam Hải thần ngư, phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống của người dân an lành, hạnh phúc.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh khẳng định việc công nhận lễ hội là di sản văn hóa quốc gia. Nhằm khẳng định tính đa dạng trong truyền thống văn hóa của người Việt Nam nói chung; người miền Trung nói riêng. Đây là cơ hội tốt để tỉnh phát huy các giá trị văn hóa, phát triển du lịch. Hiện, Hà Tĩnh có 3 lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Gồm: Lễ hội đền Lê Khôi (huyện Thạch Hà và Lộc Hà), lễ hội Hải Thượng Lãn Ông (huyện Hương Sơn). Cuối cùng là lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn (huyện Cẩm Xuyên).
Sự tích cá Ông và nguồn gốc của lễ hội
Huyền thoại xưa kể rằng, Đức phật Quan Thế Âm Bồ Tát trong một lần tuần du hải đảo; chứng kiến cảnh người trần bị chết chìm ngoài biển khơi. Đức Phật vô cùng đau xót nên đã xé chiếc áo cà sa. Làm thành muôn mảnh thả ra trên mặt biển. Sau đó làm phép thành cá Ông. Quan Âm Bồ Tát lấy bộ xương voi ban cho cá ông. Để cá Ông có thân hình to lớn. Ban phép thâu đường để cá Ông có thể bơi thật nhanh cứu vớt người lâm nạn.
Cụ Lê Văn Thịnh cho biết: “Cá Ông tự trôi dạt vào bờ. Và thường án ngự ở bãi biển trước cửa đền. Đến nay, khu vực miếu thờ có khoảng hơn 110 ngôi mộ cá Ông. Mỗi khi chuẩn bị hành trình ra biển, ngư dân thường đến đền thắp hương; cầu cho mưa thuận gió hóa, trời yên biển lặng. Để có một vụ cá tôm đầy khoang, người người khỏe mạnh, nhà nhà sung túc”. Đó cũng chính là nguyên cớ để ngư dân vạn chài mở lễ hội cầu ngư. Lễ hội chính là nơi để họ thể hiện ước vọng về một cuộc sống bình an, phồn thịnh, về những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió.