Từ lâu, An Giang đã nổi tiếng có nhiều thức ăn đặc sản như nước thốt nốt, cà ri của người Chăm, các món mắm… Nhưng có một món ăn dân dã tại Long Xuyên mà khi thưởng thức, du khách sẽ nhớ mãi đó là món bún cá. Thực ra món bún cá không phải là của người Việt mà được du nhập từ Campuchia. Theo thời gian và sự biến tấu sao cho phù hợp với khẩu vị, ngày nay bún cá trở thành món ăn thân quen của người miền Tây. Thế nhưng bún cá ở TP.Long Xuyên vẫn nổi tiếng hơn cả.
Cách nấu và hương vị đặc biệt của nó đã hấp dẫn nhiều thực khách. Bún cá Long Xuyên với vị ngọt của nước lèo, vị béo của cá, vị the và thơm của sả cùng vị đắng của rau khiến cho món ăn này ngon “khó cưỡng”. Bún cá Long Xuyên không chỉ có sức hấp dẫn với dân địa phương mà còn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sự hấp dẫn của món bún cá Long Xuyên qua bài viết dưới đây nhé!
Món bún cá có màu vàng bắt mắt của nghệ
Món bún cá Long Xuyên trình diện với thực khách bằng màu của nghệ. Nó phủ vàng ươm trên những miếng cá lóc đồng chen cùng rau nhút bẻ cọng, rau muống bào xanh ươm. Thêm vào đó là ít rau chuối xắt rối. Những miếng cá lóc được hấp chín sơ rồi bẻ ra từng miếng nhỏ xào qua với nghệ. Vì vậy khi ta ăn, món bún cá rất khó để tìm nghe mùi tanh cá vì mùi thơm của nghệ dường như đã lấn lướt hẳn.
Ngoài ra, nếu có dịp thưởng thức món bún cá ở khách sạn sang chảnh Victoria Núi Sam Lodge thì thay vì dọn ra cho khách tô bún cá kèm chén muối ớt vắt chanh thì người ta chỉ nêm trong tô bún một ít muối. Giống như món bún Tây Ninh mà người Sài Gòn thường thấy. Và cũng không dùng chanh mà hay chan nước me vào tô bún để tạo vị chua đằm đằm.
Bí quyết để có tô bún cá ngon chuẩn vị Long Xuyên
Những người nấu bún cá ở Long Xuyên đã không ngại tiết lộ “bí quyết” để có tô bún cá ngon. Đầu tiên, phải chọn cá lóc tự nhiên (phân biệt với cá lóc nuôi). Nồi nước lèo được nấu ngọt bằng chính cá lóc. Khi cá chín vớt ra, đầu cá để riêng còn thịt cá được tách ra từng miếng. Lọc hết xương, xào sơ qua với nghệ để khử mùi tanh. Bún được bày trí ra tô. Rau nhút bẻ cọng, rau muống bào, thêm ít bắp chuối thái trông rất bắt mắt.
Bên cạnh tô bún là một đầu cá lóc nóng hổi và chén nước mắm me giúp cho món bún thêm phần hấp dẫn. Thưởng thức món bún cá Long Xuyên ngon miệng nhất là lúc trời gần tối, trời mát bụng đói. Lúc này, đến các quán thưởng thức tô bún cá vàng, thơm sẽ quên cái đói, cái mệt nhọc của một ngày lao động.
Mùi vị của bún cá sẽ khác nhau tuỳ vào từng thời điểm trong ngày
Nếu ăn món bún cá vào cả ba buổi, bạn sẽ thấy hương vị của chúng hơi khác nhau. Chẳng hạn, vào buổi trưa khi nồi bún còn mới tinh tươm. vị béo của mỡ và hành dễ làm người ăn thấy hơi ngán. Đến khuya, nồi bún đã châm qua mấy lượt nước lèo. Bỏ lại một màu vàng sậm, thành ra cũng chưa “êm” lắm. Song, ngon miệng nhất có lẽ phải chờ đến chập chiều tối. Ăn tô bún cá vừa qua hai hay ba dạo nước, đủ vàng, đủ thơm. Và đủ để lưng bụng trước bữa cơm chiều.
Hiện nay món bún cá đã được biến tấu ít nhiều
Như đã nói, khi ghé Long Xuyên, bạn sẽ thấy người ta bày bán món bún cá rất nhiều. Thậm chí nên nói là ở đâu cũng thấy món này từ trong nhà ra ngoài phố. Cũng có người mách du khách nên thử thêm món bún cá nấu nước dừ. Những người bán còn hay gọi là bún kèn. Món bún này cũng tương tự bún cá. Nhưng thay vì nấu nước lèo với xương heo thì người ta thường sử dụng nhiều nước dừa và bột cà-ri. Phần nguyên phụ liệu còn có thêm củ cải trắng và huyết heo cắt miếng.
Và đương nhiên hiện thời ở Long Xuyên cũng có những quán bún cá đã lai vị. Có món bún cá đã nhuốm mùi “dân Sài Gòn”. Nó có đủ thứ như thịt cá xào nghệ, chả chiên cắt miếng… Những người bán cũng hay dọn ra trên mâm hai chén nước chấm nhỏ. Bao gồm muối ớt và nước mắm me. Nói chung, đã ăn món bún cá vài lần rồi ắt hẳn các thực khách sẽ khó quên. Cứ mỗi dịp về đây vía Bà, người ta lại cứ phải dừng chân tại các quầy hàng để thư thả “làm” sơ qua một vài tô bún cá.