Không giống như nghệ thuật thưởng trà đạo của Nhật Bản, chà Kungfu Cha của Trung Quốc, phong cách thưởng thức trà của người Việt Nam mang một sắc thái rất riêng, ghi đậm dấu ấn bản sắc dân tộc. Các bậc tiền nhân xưa cũng cho rằng người Việt uống trà là cả một nghệ thuật. Với mỗi một loại trà khác nhau lại có cách uống khác nhau, kỹ năng pha chế hay rót tách trà cũng vì thế mà không giống nhau. Ngay sau đây, độc giả hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua những nét độc đáo trong văn hóa thưởng thức trà của người Việt nhé.
Nghệ thuật thưởng trà của người Việt có gì đặc biệt?
Du nhập vào phương Nam, thứ thức uống khoác lên cả một bề dày văn hóa phương Bắc lại trở nên rất đỗi bình dị và gần gũi. Gọi tô phở, nhâm nhi ly cafe, ngồi hàn huyên câu chuyện hay nhậu ly rượu cũng “chữa lửa” bằng đủ loại trà.
Người Việt có cách ẩm trà rất riêng, rất độc đáo. Các bậc tiền nhân xưa cho rằng uống trà là một nghệ thuật, mà nghệ thuật thì phi công thức. Vì lẽ ấy từ xa xưa, các bậc tiền nhân khi uống trà thường đưa tách trà qua mũi để tận hưởng hương vị trà. Sau đó họ mới hạ dần xuống miệng, môi nhấp ngụm nhỏ thấy chát đắng, chân răng cảm nhận như chặt lại, miệng chép liền mấy cái để thấy vị ngọt dịu nơi đầu lưỡi.
Một ly trà ngon thể hiện cái tâm, cái tình của người pha trà. Để có được một chén trà ngon, đậm vị người pha trà phải tận tâm. Họ phải đặt hết tình cảm, tâm tư của mình vào việc pha trà và coi đó như một thú vui tao nhã. Không ai có thể pha một tấm trà ngon khi giận giữ. Chỉ sau khi nguôi ngoai người ta mới có thể ngồi uống trà như một cách thiền “chánh niệm” vậy.
Cách thưởng thức một số loại trà của người Việt
Thưởng thức trà xanh và trà đen
Trà đạo ở Việt Nam không phổ biến. Lý do bởi người thưởng trà không coi uống trà là đạo. Họ uống trà nhằm mục đích giải khát. Thế nên, trà được đà cứ len lỏi, xâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống. Trà xanh (mới hái) và trà đen (sao khô) là hai dạng nguyên chất và phổ biến nhất. Dù có nhiều tác dụng, nhưng nhụm trà sau bữa ăn vẫn cốt để xua mùi thực phẩm và mau tiêu những món nhiều dầu mỡ. Dọc khắp Bắc – Trung – Nam, trà được trưng dụng từ trong nhà ra đến vỉa hè, ngày thường cũng như mọi dịp lễ hỏi hay buổi đàm đạo cấp cao.
Hãm chè vô cùng đơn giản. Tuy nhiên để ngon thì không phải ai cũng biết cách. Trà tươi chỉ việc rửa sạch, đun sôi nhưng đừng để quá lâu kẻo đắng. Trà đen phải tráng qua một lượt nước nóng để gạn bỏ bụi mốc. Sau đó họ sẽ tưới nước sôi bên ngoài ấm tích trong khi hãm để cấp đủ nhiệt.
Người sành sỏi còn sưu tầm nhiều thứ trà cụ; tuyển chọn những loại tuyệt hảo để thỏa mãn thú thưởng trà của mình. Còn với người lao động, chỉ cần ly trà ấm nóng mùa đông hoặc bỏ thêm vài ba viên đá (trà đá) giải khát mùa hè là đủ.
Trà chanh thanh mát
Loại trà này phổ biến ở miền Bắc. Chúng được sử dụng trà mộc kết hợp với hương nhài; vài lát chanh và khay đá mát lạnh. Trên những con đường Nguyễn Trãi, Trần Đại Nghĩa (Hà Nội)… vào mùa hè, cứ nườm nượp người ôm ly trà chanh lề phố. Tri kỷ của trà chanh thường là đĩa hướng dương mà nhiều dân tứ xứ còn gọi là “hạt giời”.
Riêng ở phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội), trà chanh còn được nâng lên tầm cao mới, sáng tạo thành “chanh tuyết, chanh lắc, chanh phê”… Người bán thêm vị cafe, muối tinh, hương nhài vào trà chanh. Sau đó họ dùng chiếc lắc tay chuyên dụng của “bartender” để tạo bọt.
Mocktail và cocktail trà
Công việc bận rộn khiến nhiều người không có thời gian để đun nước, pha trà và đợi ngấm. Đây cũng là lý do ra đời trà túi lọc – một loại trà đen xay thành bột và đựng trong gói giấy thấm. Không chỉ lấp đầy cơn khát với ly trà thả túi lọc, bạn còn có thể chế biến chúng thành trà chanh, trà sữa và mật ong… hay thậm chí là đổi vị với mocktail và cocktail ngay tại nhà.
Trà ướp thảo dược
Lui vào những cửa hàng trà đạo, đặc biệt là vào mùa lạnh; bạn dễ dàng tìm thấy các loại trà thảo dược. Hầu hết chúng đều có tính ấm, vị cay như gừng, mật ong, quế chi, tiểu hồi, đại hồi, cam thảo, hoa hoè, lá trà tiên, lá dứa thơm, cố chỉ và hoa cúc nút.
Thảo dược có thể tán nhỏ, nghiền thành bột hoặc để cả miếng. Trà pha có thể là trà mộc, dạng túi lọc hoặc bột. Tuy nhiên, nước hãm phải thật sôi để giải phóng mọi thành phần tinh túy. Không chỉ giúp tinh thần thư thái, trà ướp còn có tác dụng chữa bệnh. Ví dụ như chữa cảm mạo, phòng cao huyết áp, giảm đau hay nhuận tràng…
Trà sữa
Nếu trà chanh độc chiếm ở miền Bắc, thì trà sữa lại chiếm thế thượng phong ở miền Nam và khu vực từ Đà Nẵng trở vào. Phố người Hoa ở Sài Gòn là nơi tụ họp đông đủ nhất. Đa số tín đồ của trà sữa là học sinh hay sinh viên. Để thực khách lai rai, chủ quán thường thêm thạch đen, thạch 6 màu; khúc bạch, trân châu, rau câu, củ năng… cho dư phần hương vị.